Bệnh viêm đại tràng là gì và phác đồ điều trị viêm đại tràng

Xây dựng phác đồ điều trị viêm đại tràng là điều quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình chữa trị. Dựa trên nguyên nhân, triệu chứng và mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp với từng đối tượng. Theo dõi những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm đại tràng và phác đồ điều trị căn bệnh này.
Nội dung bài viết
1. Bệnh viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến thường gặp ở nước ta. Bệnh xảy ra khi đại tràng bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng gây triệu chứng đau tức vùng bụng, đại tiện bất thường, đầy hơi, chướng bụng…
Bệnh được chia thành 2 thể là viêm đại tràng cấp tính và mãn tính. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng thường không biểu hiện rõ và chỉ kéo dài trong khoảng 1 tuần rồi ngưng. Tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách và kịp thời, lớp niêm mạc đại tràng ngày càng tổn thương, dần dần sẽ tiến triển qua giai đoạn mãn tính khiến các dấu hiệu xuất hiện liên tục và kéo dài.
Ở giai đoạn nặng, bệnh viêm đại tràng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh như:
- Thiếu máu, giảm cân, cơ thể suy nhược.
- Loét đại tràng, thủng đại tràng.
- Chảy máu đại tràng.
- Ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm đại tràng mãn tính (7 – 10 năm). Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người bệnh nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín nhằm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và lựa chọn phác đồ phù hợp.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Trước khi xây dựng phác đồ điều trị, bạn cần nắm được đâu là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng:
2.1. Nguyên nhân viêm đại tràng cấp tính
- Do ngộ độc hoặc dị ứng thức ăn
- Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn phải thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh như: ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm hoặc virus.
- Do thói quen sinh hoạt hàng ngày như: Căng thẳng, khó tiêu, táo bón kéo dài hoặc do sử dụng nhiều thuốc kháng sinh…
- Do ảnh hưởng của các bệnh đường ruột: Viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng xuất huyết, viêm túi thừa đại tràng…
- Một số nguyên nhân khác như thay đổi nội tiết tố, tăng nồng độ serotonin, động mạch cung cấp máu cho đại tràng bị hẹp,…
2.2. Nguyên nhân viêm đại tràng mãn tính
Bệnh viêm đại tràng mãn tính là giai đoạn nặng hơn của viêm đại tràng cấp tính. Nguyên nhân là do đại tràng bị nhiễm trùng, nhiễm độc và nhiễm nấm nhưng không được điều trị dứt điểm. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân, thường là viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.
3. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Việc chẩn đoán bệnh viêm đại tràng sẽ là căn cứ để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Dựa vào tiền sử và triệu chứng của người bệnh mà các bác sĩ có thể định hình được nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phác đồ theo tình trạng của từng đối tượng.
3.1. Chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng
Nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây, niêm mạc đại tràng có thể đã bị viêm nhiễm:
- Bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, đôi khi là bị xen kẽ cả táo lỏng.
- Đau bụng âm ỉ, cơn đau xuất hiện ở vị trí hố chậu trái, phải hoặc đau dọc theo khung đại tràng.
- Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài ra máu.
- Mệt mỏi, chán ăn dẫn đến giảm cân.
- Một số trường hợp người bệnh có thể bị sốt.
3.2. Chẩn đoán thông qua xét nghiệm
Ngoài phương pháp chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng, bệnh nhân còn được chỉ định thực hiện các xét nghiệm để nắm được chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
- Xét nghiệm máu (CBC): Kiểm tra số lượng tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu trong máu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu hay những bất thường xảy ra trong đại tràng.
- Xét nghiệm mẫu phân: Mẫu phân của người bệnh sẽ được đem nuôi cấy tìm vi khuẩn hoặc tìm kiếm sự hiện diện của máu trong phân. Phương pháp này giúp loại bỏ các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra.
- Nội soi đại tràng: Khi nội soi đại tràng, bác sĩ sử dụng một ống nội soi mềm đưa vào ống hậu môn và tiếp cận với đại trực tràng nhằm quan sát được những sự thay đổi bất thường bên trong niêm mạc ruột già.
- Điện giải đồ: Xét nghiệm này được các bác sĩ chỉ định với bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy kéo dài nhằm kiểm tra được số lượng các chất vi lượng như Natri, Kali, Clorua có trong máu.
- Chụp X-quang, CT, MRI: Đây là các phương pháp chẩn đoán thông qua hình ảnh nhằm phát hiện những tổn thương ở mô mềm và tình trạng viêm nhiễm bên trong đại tràng.
4. Phác đồ điều trị viêm đại tràng
4.1. Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự hiệu quả của việc chữa bệnh chính là điều trị càng sớm càng tốt. Khi bệnh ở giai đoạn mới khởi phát, phác đồ điều trị nên được thực hiện ngay nhằm hạn chế những tổn thương cho đại tràng và đẩy nhanh quá trình phục hồi trong thời gian ngắn nhất. Nếu để lâu thì khả năng bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tình là rất cao, khi đó phác đồ điều trị cũng phức tạp hơn, thậm chí người bệnh có thể sẽ không điều trị được dứt điểm.
Phác đồ điều trị bệnh viêm đại tràng phải được xây dựng dựa trên nguyên nhân và tình trạng bệnh, từ đó mới có thể khắc phục các triệu chứng liên quan. Trong quá trình điều trị luôn phải duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh. Và tùy từng giai đoạn mà người bệnh có thể áp dụng linh hoạt giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa.
4.2. Phác đồ điều trị viêm đại tràng bằng nội khoa
Sử dụng thuốc Tây y là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng hầu hết cho các loại bệnh. Bác sĩ thường kê các loại thuốc sau để điều trị bệnh viêm đại tràng:
Thuốc kháng sinh:
Thuốc kháng sinh được chỉ định cho các trường hợp người bệnh bị viêm đại tràng do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hay nhiễm lao. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 5 – 7 ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh. Một số loại kháng sinh thường dùng là Biseptol 480mg, Metronidazol 250mg, Ciprofloxacin 500mg…
Thuốc chống viêm:
Thuốc chống viêm là một trong những loại thuốc không thể thiếu khi điều trị viêm đại tràng nhằm cải thiện các triệu chứng liên quan đến bệnh như phù nề, viêm đỏ ở lớp niêm mạc đại tràng hay đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy… Một số loại thuốc chống viêm phổ biến là: Sulfasalazine, Mesalamine, Balsalazide…
Thuốc chống tiêu chảy:
Thuốc chống tiêu chảy được chỉ định cho các trường hợp người bệnh bị tiêu chảy kéo dài. Các thuốc tiêu chảy thường dùng cho bệnh nhân bị viêm đại tràng là: Actapulgite, Smecta, Loperamid…
Thuốc chống co thắt:
Thuốc chống co thắt được sử dụng trong các trường hợp người bệnh bị co thắt đại tràng dẫn đến đau bụng và rối loạn chức năng hoạt động của đại tràng. Tùy tình huống mà bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc sau: Phloroglucinol, Mebeverine, Trimebutin,…
Thuốc nhuận tràng:
Thuốc nhuận tràng thường được dùng khi người bệnh bị táo bón kéo dài. Với tác dụng giữ nước, làm mềm phân và kích thích nhu động ruột, thuốc nhuận tràng giúp bệnh nhân đi đại tiện dễ dàng và đều đặn hơn. Các loại thuốc nhuận tràng thường dùng là Microlax, Forlax, Sorbitol,…
Thuốc giảm chướng bụng, đầy hơi:
Các bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc sau để cải thiện tình trạng đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng: Sorbitol, Carbophos…
Men vi sinh:
Men vi sinh thường được sử dụng kết hợp với các loại thuốc kháng sinh để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, đồng thời giúp lợi khuẩn đường ruột và cải thiện chức năng tiêu hóa của đại tràng. Một số loại men vi sinh phổ biến là Bacillus clausii, Lactomin, Lactulose…
Sử dụng thuốc Tây y giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, tuy nhiên, thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách. Vậy nên trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.3. Điều trị viêm đại tràng bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ phần đại tràng bị nhiễm bệnh. Đây thường là lựa chọn sau cùng để điều trị viêm đại tràng, cụ thể là trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân không phù hợp với phác đồ điều trị nội khoa.
- Tình trạng bệnh nặng, kéo dài gây ra các vết viêm nhiễm, lở loét nghiêm trọng trong đại tràng.
- Viêm đại tràng biến chứng xuất huyết, thủng đại tràng, giãn đại tràng hay ung thư đại tràng.
- Bệnh tái phát liên tục trong năm.
Các bác sĩ sẽ dựa theo tuổi tác, thể trạng, vị trí và mức độ tổn thương của đại tràng mà chỉ định phẫu thuật nội soi hay mổ hở. Hiện nay, phương pháp nội soi đại tràng được áp dụng phổ biến hơn bởi mức độ an toàn, ít gây đau và chảy máu, đồng thời cũng giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe hơn.
Sau khi làm phẫu thuật, người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sinh hoạt lành mạnh để vết mổ mau lành.
5. Dinh dưỡng cho bệnh nhân bị viêm đại tràng
Bên cạnh các phương pháp điều trị thì việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp quá trình phục hồi của bệnh nhân nhanh hơn. Vậy nên khi xây dựng chế độ ăn uống hàng ngày, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều dầu mỡ bởi lượng chất béo sẽ gây ra cảm giác khó tiêu, đầy bụng và khiến tổn thương trong đại tràng lâu lành.
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để giảm gánh nặng cho đại tràng. Người bệnh cũng nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để đại tràng dễ tiêu thụ và hấp thu chất dinh dưỡng.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, kiêng ăn các loại rau sống, thực phẩm sống.
- Tránh các loại đồ ngọt, đồ cay nóng và thức ăn nhanh.
- Tránh chất kích thích như cà phê, thuốc lá,…
- Trong những ngày bị tiêu chảy, hãy sử dụng những thực phẩm giàu tinh bột và chế biến ở dạng lỏng để bổ sung nước cho cơ thể
- Trong trường hợp bị táo bón, hãy tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như táo, chuối, khoai lang..
- Bổ sung sữa chua vào thực đơn hàng ngày để cải thiện hệ vi sinh đường ruột và giảm các triệu chứng táo bón, tiêu chảy
Với những chia sẻ về phác đồ điều trị bệnh viêm đại tràng trên đây, blog Suckhoetoday hy vọng bạn sẽ tìm được phương pháp phù hợp nhất. Nếu có dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để xác định cách chữa trị kịp thời nhé.
Xem ngay: Top 20 loại thuốc chữa bệnh đại tràng hiệu quả với chi phí bất ngờ nhất 2022